Một trong những công cụ hiệu quả để xác định xu hướng tiếp theo của thị trường cũng như việc xác định hiện tại thị trường đang trong giai đoạn nào thì đó chính là sóng Elliott. Vậy sóng Elliott là gì? Nó được áp dụng như thế nào trong giao dịch? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây cùng Zeal Finance Academy nhé!
1. Sóng Elliott là gì và lịch sử hình thành?
Sóng Elliott là công cụ kỹ thuật được nhà đầu tư sử dụng trong việc phân tích giá thị trường chứng khoán, hàng hóa, tiền điện tử….
Sóng Elliott phân tích các chuyển động của giá và các chuyển động này có xu hướng lặp đi lặp lại và hình thành các bước sóng. Từ dữ liệu lịch sử giao dịch trước đó, dựa vào nguyên tắc sóng Elliott, nhà đầu tư có thể dự đoán các biến động về giá tiếp theo dưới tác động của tâm lý thị trường.
Sóng Elliott được phát triển bởi kế toán viên người Mỹ là Ralph Nelson Elliott (1871-1948) vào năm 1930. Sau nhiều năm nghiên cứu và phân tích dữ liệu chứng khoán, ông đã phát hiện ra rằng thị trường không biến động một cách hỗn loạn mà tuân theo quy luật và những chu kỳ này thường lặp đi lặp lại.
Hình 1. Cha đẻ của sóng Elliott
Năm 1938, khi đã tập hợp đủ đầu mối ông đã xuất bản lý thuyết sóng Elliott lần đầu tiên trong cuốn sách “The Wave Principle”. Đến năm 1939, ông đã tổng kết toàn bộ nội dung của lý thuyết sóng Elliott trên tạp chí Financial World và xuất bản trong cuốn sách Nature’s Laws vào năm 1946.
Đến nay, lý thuyết sóng Elliott vẫn được các nhà đầu tư sử dụng rộng rãi và áp dụng để phân tích các thị trường tài chính như chứng khoán, forex, hàng hóa và tiền điện tử.
2. Lý thuyết sóng Elliott
Một chu kỳ sóng Elliott hoàn chỉnh và cơ bản nhất khi thị trường tăng giá bao gồm 8 bước sóng và có cấu trúc 2 pha. Pha đầu tiên là sóng đẩy (impulse wave) và pha thứ hai là sóng điều chỉnh (corrective wave)
2.1 Sóng đẩy
Sóng động lực gồm 5 sóng được đánh số: 1, 2, 3, 4, 5.
– Sóng 1, 3, 5 là sóng tăng.
– Sóng 2, 4 là sóng điều chỉnh hay còn gọi là sóng giảm.
Hình 2. Sóng đẩy
– Sóng 1: Có điểm bắt đầu là cuối của xu hướng cũ. Lúc này, thị trường vẫn khá tiêu cực nhưng một số nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng và cảm thấy đây là cơ hội tốt để tiến hành mua vào, từ đó đẩy giá tăng lên.
– Sóng 2: Là sóng điều chỉnh của sóng 1, nhưng không thể điều chỉnh xuống điểm bắt đầu của sóng 1. Lý do hình thành sóng 2 là ở thời điểm này, nhà đầu tư bắt đầu thoát lệnh để bảo toàn mức lợi nhuận tiềm năng đã đạt được.
– Sóng 3: Trong khi một số nhà đầu tư thoát lệnh do đã thu về được lợi nhuận mục tiêu, thì một số khác lại lợi dụng lúc thị trường giảm giá để tham gia vào thị trường. Chính điều này đẩy giá lên cao hơn. Thông thường, sóng 3 sẽ dài và mạnh nhất trong 5 sóng.
– Sóng 4: Sau khi thị trường tăng giá, các nhà đầu tư tiếp tục chốt lời khiến giá giảm điều chỉnh. Tuy nhiên, sóng này vẫn không mạnh hơn so với sóng 3. Lý do là vì nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng giá sẽ còn tăng cao hơn nữa.
– Sóng 5: Thời điểm này rất nhiều tin tức tích cực được đưa ra khiến nhiều nhà đầu tư mua vào đẩy giá tăng cao. Sóng 5 không có sức mạnh to lớn như sóng 3.
2.2 Sóng điều chỉnh
Sóng điều chỉnh gồm có 3 bước sóng nhỏ, xuất hiện sau khi mô hình sóng đẩy kết thúc. Nếu thị trường đi lên thì sóng điều chỉnh sẽ có xu hướng đi xuống hoặc đi ngang. Thường được ký hiệu: A-B-C
Hình 3. Sóng điều chỉnh
Một số ví dụ về bộ sóng Elliott:
Hình 4. Bộ sóng hoàn chỉnh của mã cổ phiếu AAA
Hình 5. Bộ sóng điều chỉnh A-B-C của mã cổ phiếu HPG
Hình 6. Bộ sóng điều chỉnh A-B-C của mã cổ phiếu DIG
3. Kết luận
Như vậy thông qua bài viết trên bạn đã hiểu một cách cơ bản về sóng Elliott là gì rồi đúng không nào? Đây là lý thuyết tương đối quan trọng và hiệu quả khi kết hợp với các công cụ phân tích kỹ thuật khác. Trong phần 2 chúng tôi sẽ trình bày đến bạn các mô hình sóng Elliott cơ bản. Chúc bạn thành công!