Vào những ngày “đỏ lửa” của cuộc khủng hoảng nhà ở 2008 – hàng chục ngân hàng sụp đổ kéo theo hồi chuông báo động chưa từng có cho thị trường tài chính. Tuy nhiên, duy nhất một ngân hàng vẫn sống sót một cách ngoạn mục, thậm chí còn vươn lên trở thành ngân hàng lớn nhất nước Mỹ: JP Morgan Chase. Người đang ngồi trên ngai vàng của đế chế tài chính hùng mạnh này chính là banker phố Wall – Jamie Dimon. Cùng ZFA tìm hiểu về huyền thoại tài chính này và những bước đi đã đưa ông lên đỉnh cao.
I. HAI LẦN BỊ IVY LEAGUE TỪ CHỐI
Hình 1: Jamie Dimon
1. KHỞI ĐẦU KHIÊM TỐN VÀ GIA ĐÌNH TÀI CHÍNH
Jamie Dimon sinh ra trong một gia đình có truyền thống trong lĩnh vực tài chính. Năm 1921, ông nội của Dimon từ Hy Lạp đặt chân đến New York với hai bàn tay trắng. Không lâu sau, ông trở thành một banker và một nhà môi giới chứng khoán (stockbroker) rất thành công. Thời điểm Jamie chào đời, cha của ông – Theodore Dimon – cũng là một stockbroker cực kỳ giàu có.
Jamie luôn nuôi dưỡng trong lòng niềm tin sẽ kiếm được một núi tiền, theo gương cha và ông nội. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, Jamie phải bước chân vào thế giới tài chính cùng tấm bằng tốt nghiệp từ một trường đại học danh giá.
2. HÀNH TRÌNH HỌC VẤN VÀ NHỮNG BƯỚC ĐI ĐẦU TIÊN
Trái với mong đợi, hồ sơ của Jamie bị từ chối bởi Brown University. Đây là ngôi trường mà anh mơ ước, nằm trong top 4 trường hàng đầu. Jamie sau đó theo học tại Tufts University. Anh luôn cảm thấy rằng bản thân xứng đáng với một nơi tốt hơn. Mới vào năm nhất, Jamie đã nộp đơn vào Princeton University – một thành viên trong nhóm Ivy League. Nhưng, ông lại tiếp tục bị từ chối.
Không nản lòng, Jamie đặt mục tiêu học tại một trường Ivy League khác. Với trí thông minh thiên bẩm và sự tự tin, Jamie tốt nghiệp Summa Cum Laude từ Tufts vào năm 1978 và học tiếp MBA tại Harvard University. Giá trị bản thân Jamie đã được minh chứng.
Hình 2: Đại Học Business School
Tại Harvard, Jamie thể hiện rõ sự khác biệt và chán ghét việc tuân theo nguyên tắc hay những gì “mọi người hay làm”. Ông không sống trong kí túc xá, thích mặc jeans và áo khoác da đến lớp thay vì những bộ vest lịch lãm như những sinh viên khác. Trong một lớp toàn là Đảng cộng hòa, Jamie lại theo Đảng dân chủ. Jamie tốt nghiệp Harvard với danh vị Baker scholar – chỉ dành cho top 5% trong lớp.
Hình 3: Hình tốt nghiệp Baker Scholar của Jamie Dimon
Với thành tích học vấn xuất sắc, Jamie ngập trong đống thư mời làm việc, kể cả các tập đoàn lớn hay doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó còn có cả những ngân hàng đầu tư có tiếng trên phố Wall.
II. QUYẾT ĐỊNH GÂY SỐC
Trước sự sửng sốt của các doanh nghiệp lớn, Dimon từ chối toàn bộ các mức lương hấp dẫn. Ông lựa chọn làm việc cho một người bạn của gia đình ông, “Sandy” Weill, với lương chỉ bằng ⅓ so với những gì ông đáng được nhận.
Sandy Weill là một deal maker xuất sắc trong giới tài chính. Giống như Jamie, Sandy nung nấu ước mơ làm giàu từ nhỏ nhưng không phải từ những công việc bị kiểm soát thời gian mà là tạo ra “đế chế” của riêng mình. Đến năm 1986, ông bán Shearson cho American Express với giá 900 triệu đô và trở thành chủ tịch của American Express. Jamie tuy rất trẻ vào thời điểm đó nhưng đã được Sandy ngỏ ý mời làm trợ lý cá nhân.
Trong khi nhiều tân thạc sĩ sở hữu tấm bằng MBA phải vật lộn thăng tiến từ những vị trí thấp lên cao, Sandy Weill hào phóng đưa Jamie vào thẳng ban điều hành, giúp Weill giao dịch các hợp đồng lên đến hàng trăm triệu đô la. Ở tuổi 28, Jamie tự tin thuộc hàng ngũ đầu trong giới tài chính.
III. SỰ RỜI ĐI CỦA HAI ĐẦU NÃO
Những năm 1980 là thời đại vàng của những giao dịch lớn. Ronald Reagan đắc cử tổng thống năm 1981. Ưu tiên hàng đầu của ông là giúp cho các tập đoàn Mỹ hồi phục. Bởi lẽ, nước Mỹ lúc này đang bước vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ cuộc Đại suy thoái. Nhà nước cắt giảm thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mượn tiền dễ dàng hơn. Nhờ vậy các thương vụ M&A (sáp nhập & mua lại) tăng lên đáng kể.
Sandy và Jamie làm việc cật lực với mong muốn bán Fireman’s Fund (công ty con của American Express) cho tỷ phú Warren Buffett. Nhưng vào giai đoạn cuối, ban điều hành phản đối ý định này. Sự “chơi đùa” này như cú tát thẳng vào mặt Sandy. Ông nổi giận và rút khỏi American Express.
Sau khi rời đi, không tập đoàn nào ở phố Wall nhận Sandy Weill vì cho rằng ông đã hết thời. Cả hai lập kế hoạch quản trị một công ty nhỏ sau đó thực hiện đòn bẩy tài chính (leverage) để tiếp quản các công ty lớn hơn. Commercial Credit được ra đời.
IV. NHỜ PHÉP MÀU HAY KỸ NĂNG?
1. KHỞI ĐẦU VỚI COMMERCIAL CREDIT
Commercial Credit là một công ty chuyên cho vay. Công ty có trụ sở tại Baltimore, khách hàng mục tiêu chủ yếu thuộc tầng lớp trung và hạ lưu. Công ty nhắm phân khúc dân số có thu nhập thấp để cho vay lãi suất cao trong thời gian ngắn.
Hình 4: Công ty Commercial Credit lúc bấy giờ
Control Data, công ty mẹ của Commercial Credit, gặp phải vấn đề tài chính vào năm 1985. Commercial Credit lúc này đứng trước bờ vực bị bán đi. Nhưng, một cú trở mình ngoạn mục đã xảy ra sau khi Jamie và Sandy nhúng tay vào.
2. BIẾN ĐỔI KỲ DIỆU
Suy nghĩ khác người của Jamie phát huy tác dụng một lần nữa, biến Commercial Credit từ tỷ suất sinh lời ROE (Return-on-Equity) chỉ 4% lên đến 18%. Ông nhận ra công ty có nhiều tài sản có thể bán và nhiều chi phí có thể giảm bớt. Jamie tiếp cận Warren Buffett một lần nữa để xin đầu tư. Tuy nhiên, ông lại bị từ chối bởi lý do muốn dồn lực đầu tư vào các công ty chất lượng.
Jamie và Sandy tiếp cận Commercial Credit bằng cách sau: Phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) để huy động vốn từ nhà đầu tư.
3. PHÁT HÀNH CỔ PHIẾU VÀ THÀNH CÔNG IPO
Cả hai quyết định dùng IPO. Tin theo mắt nhìn của Jamie, Sandy đã “hi sinh” một phần lớn tài sản riêng của ông để mua 10% cổ phần Commercial Credit, đồng thời chào bán 80% cổ phần công ty ra công chúng. Jamie đầu tư gần như tất cả những gì ông có ở tuổi 30: 425.000 đô la.
Kế hoạch IPO thành công vang dội. Họ thu được 850 triệu đô la, mang đến khoản lợi nhuận cực lớn so với số tiền bỏ ra ban đầu.
4. VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG
Jamie Dimon theo đó được Sandy Weill bổ nhiệm làm CFO sau khi Sandy lên nắm giữ vị trí CEO. Họ bắt tay vào điên cuồng giảm chi phí vận hành, trong đó có 10% nhân viên bị sa thải vào ngày đầu tiên.
Sau 1 năm cùng vận hành, Commercial Credit thu về 100 triệu đô lợi nhuận, tăng ROE lên 18%. Xếp hạng tín dụng theo đó tăng lên, giúp công ty “bỏ túi” thêm khoản vay 100 triệu đô la. Tưởng chừng kế hoạch bán lại Commercial Credit cho các công ty lớn đã đến lúc chín muồi, nhưng ngày thứ 2 đen tối 1987 (Black Monday) ập đến và kế hoạch chệch hướng.
Ngày thứ Hai đen tối xảy ra vào ngày 19/10/1987. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA) mất gần 22% trong một ngày. Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của suy giảm thị trường chứng khoán toàn cầu. Ngày thứ Hai đen tối trở thành một trong những ngày khét tiếng nhất trong lịch sử tài chính. Đến cuối tháng, hầu hết các sàn giao dịch lớn đã giảm hơn 20%.
Cổ phiếu Commercial Credit đột ngột tụt dốc 50%. Thế nhưng Dimon và Weill lại xem đây là một cơ hội. Với bản báo cáo tài chính vững chắc, họ mua lại cổ phiếu của chính họ với giá bèo bọt rồi dùng nó để “thu nạp” những công ty đang khốn đốn vì sự kiện trên. Vào ngày 8/10/1998, họ đã tạo ra một tập đoàn (với hỗn hợp các doanh nghiệp – conglomerate) lớn nhất Hoa Kỳ – Citigroup.
V. NGƯỜI THẤT NGHIỆP NỔI TIẾNG NHẤT NƯỚC MỸ
1. HỒI PHỤC KINH TẾ VÀ THĂNG TIẾN
Giữa những năm 1990, nước Mỹ đã bắt đầu hồi phục sau cuộc suy thoái kinh tế ngắn ngủi. Nước Mỹ bước vào một kỷ nguyên tăng trưởng thịnh vượng và bền vững, bất chấp sự suy giảm của các ngành công nghiệp truyền thống, nhờ sự ra đời của máy tính cá nhân.
Với sức ảnh hưởng chính trị của mình, Sandy Weill đã thuyết phục tổng thống tại vị Bill Clinton thông qua Đạo luật hiện đại hoá dịch vụ tài chính (Financial Services Modernization Act 1999). Điều này mở đường cho sự sáp nhập các ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư.
Hình 5: Lễ ký kết hợp tác sát nhập ngân hàng
Jamie Dimon được thăng chức làm Chủ tịch (President) Citigroup. Con gái Sandy và cũng là bạn từ thuở ấu thơ của Dimon, Jessica Bibilovich, được đưa vào Citigroup với chức Chủ tịch (Chairman) của bộ phận quỹ tương hỗ (mutual fund).
Hình 6: Con gái Sandy, Jessica Bibilovich
2. MÂU THUẪN VÀ RA ĐI
Chứng kiện sự đi lên nhanh chóng của quỹ tương hỗ chi phí thấp (low fee mutual funds) như Vanguard, Jamie Dimon tin rằng quỹ tương hỗ chi phí cao (high-cost mutual funds) như truyền thống sẽ không mang lại thành công nữa.
Dimon hướng dẫn Jessica “xào lại” quỹ theo hướng như Vanguard nhưng Sandy Weill lại phản đối ý định này. Thế nhưng cuối cùng Dimon vẫn được số đông ủng hộ và chèo lái con thuyền sang hướng low fee mutual funds.
1 năm sau, vào thời điểm thăng chức, Jamie Dimon đã không trao cho Jessica vị trí cao hơn. Ông cho rằng cô đã không làm tốt nhiệm vụ của mình. Bằng chứng là năm 1996, quỹ tương hỗ của Jessica (Smith Barney) chỉ thu về tài sản ròng 288 triệu đô so với 3.1 tỷ đô la mà chi nhánh môi giới của Bank of America, Merrill Lynch, đã thu được. Jessica từ chức còn Jamie Dimon, dưới sự bất đồng với Sandy Weill, bị sa thải khỏi Citigroup.
VI. MÀN COMEBACK ẤN TƯỢNG
1. SỰ TRỞ LẠI ẤN TƯỢNG CỦA JAMIE DIMON
Vào tháng 3/2000, trước sự ngạc nhiên của công chúng, Jamie Dimon trở thành Giám đốc điều hành của Bank One có trụ sở tại Chicago. Ông góp công rất nhiều trong sự phát triển của ngân hàng. Năm đó, ngân hàng đưa ra báo cáo khoản lỗ 511 triệu đô, theo The Harvard Business Review đưa tin. Khi Dimon nhận chức, chỉ 3 năm sau, Bank One báo lãi kỷ lục 3.5 tỷ đô la.
Hình 7: JPM và BankOne
2. VƯỢT QUA BÃO TÁP DOTCOM
Cuối những năm 1999, giữa tâm bão Bong bóng Dotcom, Bank One vẫn trụ vững.
– Các công ty dotcom mang đến làn sóng mới trong nền kinh tế thế giới cuối những năm 1990. Giá trị các công ty này tăng nhanh hơn bất kì ngành công nghiệp nào khác cùng thời. Mặc dù trên thực tế, hầu hết các công ty internet có rất ít tài sản vật chất. Rất nhiều trong số chúng đã được định giá rất cao trên thị trường chứng khoán lúc đầu. Bị hấp dẫn bởi những dự đoán về ngành công nghệ, các nhà đầu tư đã rót một số lượng lớn vốn vào các công ty dotcom mà không có lịch sử lợi nhuận chính xác.
– Rất nhiều công ty dotcom chỉ tập trung vào tăng trưởng và mức độ nhận diện thương hiệu với mục tiêu đạt được giá trị cao trên thị trường chứng khoán. Họ bất chấp việc trên thực tế các công ty này bán được rất ít sản phẩm. Nasdaq đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử vào tháng 3/2000.
– Bong bóng dotcom vỡ vào năm 2001 khi nhiều công ty internet bắt đầu công bố việc thiếu hụt lợi nhuận. Một số NĐT bắt đầu nhanh chóng chuyển tiền đầu tư sang các công cụ tài chính khác. Điều này dẫn đến tình trạng bán tháo và sụt giảm giá cổ phiếu.
3. KHỦNG HOẢNG VÀ SỰ PHỤC HỒI
Một lượng lớn các khoản đầu tư đã bị mất, dẫn đến một cuộc suy thoái nhẹ ở Mỹ và các quốc gia khác. Cục Dự trữ Liên bang đã phải tăng lãi suất gấp 6 lần nhằm xoa dịu độ “sát thương”. Cộng với vụ khủng bố ngày 11/9/2001 gây rúng động dư luận, thị trường tài chính chao đảo một thời gian dài. Cho đến tận Q4/2003, mọi thứ mới dần trở lại như cũ. Hàng loạt các doanh nghiệp “dính đòn”, thế nhưng Bank One lại thu về 59% tỷ suất sinh lời ROE. Bank One trở thành một trong những số ít các ngân hàng còn trụ được đến năm 2003. Dưới sự dẫn dắt của Jamie Dimon, Bank One như được chắp thêm đôi cánh.
VII. ÔNG CHỦ ĐẾ CHẾ HÙNG MẠNH NHẤT PHỐ WALL
1. VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG CUỘC KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH 2008
Tài năng của Dimon mới thật sự được biết đến nhiều hơn khi trở thành người có công đầu trong việc giúp JPMorgan Chase vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 mà hầu như chẳng chịu chút tổn thất nào, nếu so với các ngân hàng khác.
Cha đẻ của JPMorgan Chase & Co là J.P. Morgan, sinh năm 1837, tại Hartford, tiểu bang Connecticut. Thời thanh niên, ông trùm tài chính này học tại Đại học Gottingen ở Đức. Morgan là một nhân vật huyền thoại và là một trong những người có ảnh hưởng nhất của thời đại.
Vụ bê bối Enron – gốc rễ của cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Enron đã đệ đơn kiện 10 ngân hàng, cáo buộc họ đã giúp sức cho ban quản lý cũ của công ty năng lượng này thực hiện hành vi gian lận báo cáo tài chính. Đáp lại, JPM đã đồng ý trả 1 tỷ đô la (550 triệu bảng Anh) để giải quyết các khiếu nại do Enron đưa ra.
Hình ảnh trước công chúng bị huỷ hoại, CEO William Harrison – đang ở độ tuổi về hưu – quyết định sáp nhập Bank One và tin tưởng giao cho Jamie Dimon lên kế nhiệm chức vụ CEO JPMorgan Chase.
2. THÀNH CÔNG VANG DỘI CỦA JPM DƯỚI THỜI DIMON
Dưới thời Dimon, JPM đã thành công vang dội. Vào thời điểm đó, Citigroup được coi là ngân hàng tốt nhất nước Mỹ với giá trị vốn hóa cao gấp đôi JPM. Tỷ suất sinh lời ROE ở mức 19.2% trong suốt 5 năm, so với con số 8.9% của JPM.
Thời gian trôi đi và JPM đã thay đổi rất nhiều thước đo. Năm 2006, ngân hàng đầu tư của JPMorgan chiếm được thị phần lớn trong mảng tư vấn quản lý tài chính trên phố Wall nhưng vẫn bị các đối thủ bỏ xa ở mảng bán lẻ. Ngày nay, JPM chiếm được ngôi vương ở cả 2 mảng.
Mảng bán lẻ của JPMorgan hiện đã lớn mạnh gấp nhiều lần. Nếu như năm 2006 ngân hàng này chỉ nắm 3.6% lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân ở Mỹ thì hiện giờ tỷ lệ là 9%. Khoảng 25% tài khoản vãng lai mới mở ra ở Mỹ trong năm 2019 là do JPM phát hành. Tổng tài sản mà JPM thay mặt khách hàng quản lý là 2.700 tỷ USD, cao gấp đôi năm 2006. Những thương vụ M&A trong suốt khủng hoảng tài chính 2008, như vụ Bear Stearns (bán cho JPM chỉ với giá $10/share so với $170/share vào 1 năm trước đó) hay quỹ tương hỗ WaMu đã giúp quy mô của JPM nhảy vọt so với các ngân hàng Mỹ và châu Âu khác.
Hình 8: Xếp hạng các Bank U.S
3. SO SÁNH VỚI CITIGROUP VÀ VỊ THẾ HIỆN TẠI
Quan trọng nhất, JPM có tình hình tài chính khỏe mạnh. Tỷ lệ lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) là 9 đô la trong năm 2019, cao gấp 4 lần so với 2005. Năm 2019 tỷ lệ ROE là 15%, cao hơn vài phần trăm so với các ngân hàng Mỹ và Trung Quốc, gấp đôi so với những ngân hàng khỏe mạnh nhất ở châu Âu. JPM đạt được điều này mà không phải dựa vào những cách thức dễ dàng như tăng tỷ lệ đòn bẩy.
Khác với sự sống sót ngoạn mục của JPM, Citigroup đứng trước sự lung lay sau khi Sandy Weill trao lại vị trí CEO cho Chuck Prince vào năm 2007. Prince đã không làm tốt vai trò của ông khi để tập đoàn lừng lẫy này gặp phải vấn đề với chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp.
Prince bị hạ bệ ngay lập tức và Citi đưa Vikram Pandit lên làm CEO Citigroup. Trong các bài phỏng vấn, Sandy Weill luôn tỏ ra hối hận khi đã sa thải một “viên ngọc quý” như Jamie Dimon. Tính đến thời điểm hiện tại, Jamie Dimon là vị CEO duy nhất trên phố Wall còn “sống sót” sau cuộc khủng hoảng 2008.
Hình 9: Tiểu sử về Jamie Dimon
Hình 10: Giá cổ phiếu JPM tăng vọt vượt trội hơn SP500 dưới thời Jamie Dimon
VIII. TÓM TẮT
Jamie Dimon là Giám đốc điều hành (CEO) và Chủ tịch của JPMorgan Chase, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới. Ông sinh ngày 13/3/1956 tại New York, Mỹ. Dimon tốt nghiệp Đại học Tufts với bằng cử nhân kinh tế và tâm lý học, sau đó nhận bằng MBA từ Trường Kinh doanh Harvard.
Dimon bắt đầu sự nghiệp của mình tại American Express, sau đó làm việc tại Commercial Credit, nơi ông đã đóng góp quan trọng trong việc tái cơ cấu và phát triển công ty. Ông cũng từng là CEO của Bank One trước khi công ty này sáp nhập với JPMorgan Chase vào năm 2004.
Dưới sự lãnh đạo của Dimon, JPMorgan Chase đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những tổ chức tài chính quan trọng nhất toàn cầu. Ông được biết đến với khả năng lãnh đạo xuất sắc và sự nhạy bén trong việc điều hành ngân hàng qua các cuộc khủng hoảng tài chính. Dimon cũng thường xuyên xuất hiện trong danh sách những nhà lãnh đạo kinh doanh quyền lực nhất thế giới.