Khi đánh giá hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp, các chỉ số tài chính như EBT và EBIT đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cái nhìn toàn diện về khả năng sinh lời và quản lý chi phí. Cùng ZFA phân tích các chỉ số trên để đánh giá một doanh nghiệp trong bài viết hôm nay!
I. EBT (EARNINGS BEFORE TAXES – LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ)
1. GIỚI THIỆU VỀ LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ (EBT)
Lợi nhuận trước thuế là một mục trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty. EBT đo lường lợi nhuận của công ty (doanh thu trừ tất cả chi phí), nhưng trước khi trừ thuế thu nhập.
EBT = Doanh thu – Giá vốn hàng bán – Chi phí hoạt động – Chi phí khác + Lợi nhuận khác
EBT là chỉ số sát với lợi nhuận thuần nhất khi chỉ tính thêm thuế:
– Lợi nhuận thuần = EBT – Thuế
– Thuế suất hiệu quả (Effective tax rate) = (Thuế / EBT)*100
– Tỷ suất lợi nhuận trước thuế = EBT / Vốn hóa thị trường
EBT giúp so sánh các doanh nghiệp có cùng mô hình kinh doanh giữa các quốc gia khác nhau chính xác hơn vì đã loại bỏ tác động của thuế.
2. CASE STUDY: WARREN BUFFET VÀ TRÁI PHIẾU WPPSS
EBT là chỉ số mà Warren Buffet yêu thích. Ông sử dụng nó để tính toán lợi nhuận có được khi mua cổ phiếu/mua lại toàn bộ doanh nghiệp. Lý do là tất cả các khoản đầu tư trên thị trường đều được chào bán trên cơ sở trước thuế (ngoại trừ các khoản đầu tư được miễn thuế). Vì vậy, EBT cho phép Warren so sánh doanh nghiệp/khoản đầu tư này với các khoản đầu tư khác.
Khi Warren mua trái phiếu miễn thuế của Hệ thống Cung cấp năng lượng công cộng Washington trị giá 139 triệu USD, khoản đầu tư mang đến cho ông 22.7 triệu USD lợi nhuận phi thuế trong 1 năm. Ông đã lập luận rằng:
– Khoản thu nhập sau thuế 22.7 triệu USD cũng tương đương với lợi nhuận trước thuế ~45.6 triệu USD
– Để mua được doanh nghiệp với lợi nhuận trước thuế ~45.6 triệu USD, ông cần phải bỏ ra từ 250-300 triệu USD
Vì vậy, ông xem các trái phiếu WPPSS (chỉ với giá 139 triệu USD) tương đương với khoản đầu tư vào doanh nghiệp kể trên (thực tế cần những 250 – 300 triệu USD) mà được giảm giá 50%.
Hình 1: Warren Buffet
II. EBIT (EARNINGS BEFORE INTEREST AND TAXES – LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ VÀ LÃI VAY)
1. GIỚI THIỆU VỀ EBIT
EBIT thể hiện lợi nhuận của công ty trước khi khấu trừ lãi vay và thuế:
EBIT = Doanh thu – Giá vốn hàng bán – Chi phí hoạt động
EBIT cung cấp thước đo về lợi nhuận của một công ty chỉ từ các hoạt động cốt lõi, không bao gồm tác động của lãi suất và thuế.
EBIT là một thước đo rộng hơn của EBT, khi: EBIT = EBT + Chi phí lãi vay
Ý nghĩa của EBIT trong phân tích
– EBIT loại bỏ Thuế và Chi phí lãi vay liên quan đến nợ vay (cổ tức, cấu trúc vốn). EBIT giúp tập trung vào khả năng tạo ra thu nhập từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
– EBIT giúp NĐT xem xét khả năng doanh nghiệp kiểm soát các loại chi phí hoạt động. Thể hiện qua tỷ lệ lợi nhuận trên vốn sử dụng (Return on Capital Employed – ROCE)
ROCE = EBIT / (Tổng tài sản – Nợ ngắn hạn)
2. ỨNG DỤNG CỦA EBIT TRONG PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH
2.1. EBIT MARGIN
EBIT margin (Biên lợi nhuận trước lãi vay và thuế) là một chỉ tiêu tài chính. Nó thể hiện hiệu quả quản lý các chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Nó bao gồm: Giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp…
EBIT margin = EBIT / Doanh thu thuần
Ý nghĩa: 1 đồng doanh thu thuần doanh nghiệp tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT). Doanh nghiệp có EBIT margin cao (>15%) và duy trì trong nhiều năm, thường là những doanh nghiệp có khả năng kiểm soát chi phí tốt.
Hình 2: EBIT margin của cổ phiếu Facebook
Hình 3: EBIT Margin của cổ phiếu Amazon
Dưới 1% các công ty S&P500 (không bao gồm tài chính và BĐS) duy trì EBIT margin trên 50% trong 5 năm liên tiếp kể từ năm 1985.
Hình 4: Tỷ lệ phần trăm các công ty S&P 500 duy trì EBIT margin
2.2. MÔ HÌNH DUPONT 5 NHÂN TỐ: MỐI LIÊN HỆ GIỮA EBIT VÀ ROE
Mô hình Dupont 5 nhân tố giúp NĐT cũng như chủ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong các chỉ tiêu tài chính, ROE là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất. ROE đánh giá khả năng sinh lời 1 đồng vốn chủ sở hữu mang về bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Để tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến ROE của doanh nghiệp, chúng ta sẽ phân tích ROE thành 1 chuỗi các tỷ số tài chính như bên dưới.
Hình 5: Mô Hình Dupont 5 nhân tố trong phân tích doanh nghiệp (Xem thêm Tại đây)
Bằng việc phân tách này, NĐT có thể biết được nhân tố chính nào đứng đằng sau, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. NĐT sẽ biết được doanh nghiệp đã tăng ROE thông qua việc:
– Nâng cao đòn bẩy tài chính: Tăng tổng tài sản / vốn chủ sở hữu (Total assets / shareholder’s equity)
– Cải thiện hiệu suất sử dụng vốn: Tăng doanh thu / tổng tài sản vốn (Revenue / Total Assets)
– Tăng doanh thu hay giảm chi phí…
Trong 5 nhân tố trên, có 2 cấu phần liên quan tới EBIT:
– Lợi nhuận trước thuế / EBIT: Hệ số Gánh nặng lãi vay (Interest Burden – IB), đây chính là yếu tố Pre-tax income / Operating Income kể trên. IB của doanh nghiệp lớn nhất khi không có các khoản thanh toán lãi vay cho chủ nợ. Giá trị cao nhất và tốt nhất mà hệ số này có thể có được là 1. Đòn bẩy tài chính càng thấp, hệ số IB càng cao và rủi ro tài chính sẽ nhỏ.
– EBIT/Doanh thu thuần (hay EBIT margin, Biên lợi nhuận hoạt động…): Chính là yếu tố Operating income / Revenue kể trên. Chỉ tiêu này phản ánh khả năng kiểm soát các loại chi phí của doanh nghiệp tốt đến đâu.
III. CHỈ SỐ EV/EBIT
Ngoài những ứng dụng kể trên, EBIT còn được ứng dụng trong định giá doanh nghiệp qua chỉ số EV/EBIT. Công thức:
Hình 6: Công thức tính EV/EBIT
Trong đó, giá trị doanh nghiệp là toàn bộ giá trị của doanh nghiệp, không tính đến cơ cấu vốn của nó và không bao gồm tiền mặt.
EV = (Giá cổ phiếu x Số lượng cổ phiếu lưu hành) + Vay ngắn hạn và dài hạn + Lợi ích cổ đông thiểu số + Giá trị thị trường của CP ưu đãi – Tiền và các khoản tương đương tiền
Chỉ số EV/EBIT được sử dụng để so sánh toàn bộ giá trị của một doanh nghiệp với phần lợi nhuận EBIT kiếm được hàng năm. Nó cho biết mất bao lâu để bù đắp chi phí từ việc mua lại doanh nghiệp với mức EBIT không đổi. EV/EBIT được đem so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành. NĐT sẽ quan tâm tới một doanh nghiệp có tỷ lệ EV/EBIT càng thấp càng tốt.
IV. TỔNG KẾT
Trong phân tích tài chính, hiểu và sử dụng đúng các chỉ số EBT, EBIT và EBITDA rất quan trọng. Nó được dùng để đánh giá hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Mỗi chỉ số có vai trò và ứng dụng riêng, giúp NĐT và nhà quản lý doanh nghiệp có cái nhìn chính xác hơn về tình hình tài chính.
EBT là chỉ số gần với lợi nhuận thuần nhất, loại bỏ tác động của thuế. Nó giúp so sánh các doanh nghiệp trong cùng ngành giữa các quốc gia khác nhau. Đây là chỉ số ưa thích của Warren Buffet.
EBIT loại bỏ ảnh hưởng của lãi vay và thuế, giúp tập trung vào khả năng tạo ra thu nhập từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Đây là chỉ số quan trọng trong việc đo lường khả năng kiểm soát chi phí hoạt động. Nó được sử dụng rộng rãi trong các phân tích tài chính như mô hình Dupont và tỷ lệ EV/EBIT.