Báo cáo kết quả kinh doanh là gì? Cấu trúc của một báo cáo kết quả kinh doanh gồm những yếu tố nào? Cùng ZFA tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé!
I. BÁO CÁO KẾT QUẢ KINH DOANH LÀ GÌ?
1. ĐỊNH NGHĨA
Báo cáo kết quả kinh doanh là một trong những bản báo cáo quan trọng của doanh nghiệp. Việc này hỗ trợ nắm rõ lợi nhuận và giúp các nhà đầu tư nắm rõ tài chính của công ty. Điều này giúp tăng giá trị vốn công ty trên các sàn chứng khoán. Ngoài ra, việc làm báo cáo cũng giúp khai báo thuế dễ dàng hơn.
2. CẤU TẠO
Báo cáo kết quả kinh doanh được chia làm 3 phần chính:
– Doanh thu (Revenue): Số tiền công ty thu được trong thời kỳ báo cáo
– Chi phí (Cost): Số tiền công ty phải chi ra để hoạt động tạo ra doanh thu
– Lợi nhuận (Profit) = Doanh thu – Chi phí (số tiền còn lại của doanh nghiệp sau khi đã thanh toán mọi khoản chi).
Về lợi nhuận, thường được chia thành ba cấp bậc chính. Bao gồm:
1. Lợi nhuận gộp (Gross profit): Là khoản tiền thu được từ doanh thu trừ đi chi phí sản xuất trực tiếp để sản xuất ra sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ (COGS – Cost of Goods Sold).
Lợi nhuận gộp = Doanh thu – Chi phí sản xuất trực tiếp để cho ra sản phẩm/dịch vụ
2. Lợi nhuận hoạt động (Operating income): Là sự khác biệt giữa lợi nhuận gộp và chi phí hoạt động của doanh nghiệp (Operating expenses).
Lợi nhuận hoạt động = Lợi nhuận gộp – Chi phí hoạt động của doanh nghiệp
3. Lợi nhuận ròng (Net income): Là số tiền còn lại sau khi trừ đi tất cả các chi phí khác từ lợi nhuận hoạt động (Operating income).
Lợi nhuận ròng = Lợi nhuận hoạt động – Các chi phí khác
Trong đó, lợi nhuận ròng là quan trọng nhất. Một công thức khác để tính lợi nhuận ròng là:
Lợi nhuận ròng (Net Income) = Doanh thu (Revenue) – Chi phí (Expenses)
Hình 1: Các chỉ số trong báo cáo kinh doanh
Ví dụ: Kết quả kinh doanh năm 2023 sau kiểm toán hợp nhất của Hoà Phát
Hình 2: Kết quả kinh doanh năm 2023 sau kiểm toán hợp nhất của Hoà Phát
II. CẤU TRÚC CỦA MỘT BÁO CÁO KẾT QUẢ KINH DOANH TIÊU CHUẨN
1. DOANH THU (REVENUE)
Doanh thu (Nơi dòng tiền đi vào) được xem như là mạch máu của mọi doanh nghiệp, bởi nó là nguồn thu chính của công ty. Doanh thu có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm:
– Bán hàng hóa: Đây là khi công ty bán các sản phẩm vật chất cho khách hàng.
– Cung cấp dịch vụ: Trong trường hợp này, công ty cung cấp các dịch vụ cho khách hàng.
– Bán bản quyền: Công ty có thể thu phí khi cho người khác sử dụng tài sản trí tuệ của mình. Ví dụ như bằng sáng chế hoặc nhãn hiệu.
Tăng trưởng doanh thu theo thời gian là một khía cạnh quan trọng. Bởi, nó cho thấy sức khỏe và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Điều này có thể phản ánh sự gia tăng về khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường hoặc phát triển sản phẩm/dịch vụ mới, tạo ra cơ hội cho sự phát triển bền vững và thành công của doanh nghiệp.
Ví dụ: Phân tích doanh thu năm 2023 của Hoà Phát
Hình 3: Phân tích doanh thu năm 2023 của Hoà Phát
2. CHI PHÍ (EXPENSES)
Chi phí (Expenses): Số tiền mà một công ty phải chi ra để tạo ra doanh thu. Nó bao gồm mọi khoản chi từ lương của nhân viên đến chi phí thuê mặt bằng. Trong báo cáo kết quả kinh doanh, có một số loại chi phí quan trọng cần lưu ý.
2.1. GIÁ VỐN HÀNG BÁN (COST OF GOODS SOLD)
Đây là chi phí trực tiếp để sản xuất ra sản phẩm/cung cấp dịch vụ. Như trong trường hợp của Hoà Phát, chi phí này chủ yếu tập trung vào thành phẩm và hàng hóa đã bán. Nó tương ứng với mức doanh thu đã được ghi nhận.
Hình 4: Giá vốn hàng bán
2.2. CHI PHÍ HOẠT ĐỘNG (OPERATING EXPENSES)
Đây là những chi phí gián tiếp liên quan đến hoạt động kinh doanh của một công ty. Nó bao gồm các khoản chi như sau:
– Bán hàng và tiếp thị (Sales & Marketing): Gồm chi phí cho đội ngũ bán hàng và tiếp thị, chi phí quảng cáo, tổ chức sự kiện, hội nghị và các hoạt động tiếp thị khác.
– Nghiên cứu và phát triển (R&D): Đây là chi phí để phát triển sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm hiện có để đảm bảo rằng công ty luôn ở trong tình trạng cạnh tranh và sáng tạo.
– Quản lý hành chính (G&A): Bao gồm các chi phí điều hành doanh nghiệp như thuê văn phòng, nhà xưởng, các dịch vụ tiện ích, các chi phí về tài chính và nhân sự.
– Khấu hao (Depreciation & Amortization): Bao gồm các chi phí không dùng tiền mặt nhưng ghi nhận hao mòn của các tài sản dài hạn như nhà xưởng, thiết bị, v.v.
– Chi phí khác: Bao gồm các chi phí như chi phí trả lãi vay, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Ví dụ: Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Hoà Phát
Hình 5: Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Hoà Phát
Lưu ý khi phân tích chi phí doanh nghiệp:
– Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, chi phí lãi vay và chi phí vốn càng thấp càng tốt (hoặc bù trừ cho nhau tùy trường hợp).
– Chi phí nghiên cứu và phát triển luôn cao hơn đối với các doanh nghiệp công nghệ và y dược. Điều này hoặc có thể khiến họ thua lỗ (do không có sản phẩm đột phá) hoặc đưa họ trở thành công ty đầu ngành với mức doanh thu vượt trội (nếu có các sản phẩm đột phá).
3. LỢI NHUẬN RÒNG (NET INCOME)
Lợi nhuận ròng là số tiền thu được sau khi trừ đi các chi phí từ doanh thu. Nó thể hiện lợi nhuận thực tế mà công ty đạt được sau một chuỗi các hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, trong trường hợp chi phí vượt quá doanh thu, lợi nhuận ròng có thể âm, dẫn đến khoản lỗ cho công ty.
Có hai phương pháp chính để một công ty có thể tăng lợi nhuận ròng:
– Tăng doanh thu: Tung ra các sản phẩm/dịch vụ mới, bán nhiều sản phẩm/dịch vụ hiện có hơn hoặc tăng giá.
– Giảm chi phí: Tìm cách tiết kiệm tiền như cắt giảm chi phí không cần thiết hoặc đàm phán các mức giá tốt hơn với nhà cung cấp.
III. MỐI LIÊN KẾT GIỮA LỢI NHUẬN RÒNG VỚI BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN VÀ BÁO CÁO LƯU CHUYỂN TIỀN TỆ
Hình 6: Mối liên kết giữa lợi nhuận ròng, bảng cân đối kế toán và báo cáo chuyển lưu tiền tệ
Thu nhập ròng chính là phần Lợi nhuận giữ lại (Retained Earnings) trong mục “Vốn chủ sở hữu” trên bảng cân đối kế toán.
Thu nhập ròng cũng là mục đầu tiên trong “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”. Nó được dùng để tính dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO).
IV. CÁC CHỈ SỐ TÀI CHÍNH TỪ BÁO CÁO KẾT QUẢ KINH DOANH
Có 2 loại biên lợi nhuận mà nhà đầu tư cần quan tâm:
– Biên lợi nhuận gộp (Gross Margin)
– Biên lợi nhuận ròng (Net Margin)
Các chỉ số này đều được thể hiện dưới dạng % doanh thu.
Hình 7: Các chỉ số tài chính từ báo cáo kết quả kinh doanh
1. BIÊN LỢI NHUẬN GỘP (GROSS MARGIN)
Tỷ suất lợi nhuận gộp dùng để đo lường khả năng kiếm tiền của công ty.
Nó thể hiện tỷ lệ phần trăm doanh thu mà công ty giữ lại dưới dạng lợi nhuận gộp (trước khi tính các chi phí khác như chi phí bán hàng hay chi phí SG&A).
Biên lợi nhuận gộp = (Doanh thu – Giá vốn hàng bán) / Doanh thu
Ví dụ: Hoà Phát = (118.953 – 103.015 ) / 118.953 = 10.87%
2. BIÊN LỢI NHUẬN RÒNG (NET PROFIT MARGIN)
Biên lợi nhuận ròng là thước đo tài chính cho thấy công ty kiếm được bao nhiêu lợi nhuận sau khi hạch toán tất cả các chi phí, bao gồm cả thuế, lãi vay và các khoản mục đặc biệt.
Biên lợi nhuận ròng = Lợi nhuận ròng / Doanh thu
Ví dụ: Hoà Phát = 6.800 / 112.953 = 5.71%
Bên canh đó, còn có công thức tính EPS (lợi nhuận ròng trên mỗi cổ phiếu):
EPS = Lợi nhuận ròng / Số cổ phiếu lưu hành
Hình 8: Lợi nhuận ròng trên mỗi cổ phiếu của Hòa Phát
V. TỔNG KẾT
Báo cáo kết quả kinh doanh không chỉ là tài liệu thông tin về lợi nhuận và tổng thu nhập mà còn là một cửa sổ mở ra để nhìn thấy hiệu suất hoạt động kinh doanh toàn diện của công ty. Trong khi bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho cái nhìn chi tiết về cấu trúc tài sản và dòng tiền thì báo cáo kết quả kinh doanh tập trung vào hiệu suất tài chính của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian cụ thể.
Báo cáo này không chỉ cung cấp thông tin về lợi nhuận ròng mà còn về các khoản thu và chi tiêu chi tiết. Điều này giúp hiểu rõ hơn về nguồn gốc của lợi nhuận và các yếu tố đã ảnh hưởng đến nó. Nó cũng cung cấp cái nhìn về hiệu quả của các chiến lược kinh doanh và các hoạt động quản lý tài chính của doanh nghiệp.
Ngoài ra, báo cáo kết quả kinh doanh thường cũng bao gồm các chỉ số hiệu suất quan trọng như tỷ suất lợi nhuận, biên lợi nhuận và tỷ lệ sinh lời. Nó giúp đánh giá mức độ hiệu quả của doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh và so với các chuẩn mực ngành.
Tóm lại, báo cáo kết quả kinh doanh không chỉ là một tài liệu số liệu mà còn là một công cụ quan trọng để nhìn nhận và đánh giá hiệu suất toàn diện của doanh nghiệp trong việc tạo ra giá trị cho cổ đông và xã hội.