Nối tiếp Phần 1, ở phần này ZFA sẽ trình bày nguyên tắc dự trữ của Ngân hàng và Quá trình tạo tiền của Bẫy thanh khoản!
I. NGÂN HÀNG HOẠT ĐỘNG THEO NGUYÊN TẮC DỰ TRỮ 100%
Hãy nghĩ về một Ngân hàng đơn giản là nơi an toàn để lưu trữ tiền mà không tham gia vào bất kỳ hoạt động cho vay, đầu tư hoặc trả lãi suất cho khách hàng. Tất cả số tiền được gửi vào ngân hàng đều được giữ lại hoàn toàn và không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác. Nó tạo ra một hệ thống được gọi là ngân hàng dự trữ 100%. Trong hoàn cảnh này, việc dự trữ toàn bộ số tiền gửi không tác động đến lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế.
Thành phần bảng cân đối:
– Tài sản của ngân hàng (Assets): Khoản dự trữ của ngân hàng ($100).
– Nợ của ngân hàng (Liabilities): Số tiền ngân hàng nợ người gửi ($100).
Tài sản và Nợ của ngân hàng bắt buộc phải cân bằng.
II. NGÂN HÀNG HOẠT ĐỘNG THEO NGUYÊN TẮC DỰ TRỮ MỘT PHẦN VÀ QUÁ TRÌNH TẠO TIỀN
Trên thực tế, các ngân hàng thường cho vay tiền để tạo ra thu nhập. Để đảm bảo sự ổn định và đáng tin cậy của hệ thống tài chính, ngân hàng phải dự trữ một phần của tiền gửi, được gọi là tỷ lệ dự trữ. Tỷ lệ dự trữ này được quy định bởi Ngân hàng Trung Ương.
Thông thường, tỷ lệ dữ trữ vốn tối thiểu được tuân theo hiệp định Basel: Gồm các yêu cầu về vốn và đo lường rủi ro hệ thống ngân hàng. Theo Basel III, các ngân hàng nên có mức dự trữ vốn nghịch chu kỳ (Countercyclical capital buffer – CCyB) tùy vào mức độ rủi ro của nhóm tài sản CET1 (gồm cổ phiếu và các tài sản tài chính rủi ro) mà họ nắm giữ.
Ví dụ: Mức dự trữ tối thiểu tiêu chuẩn theo BASEL III, tổng vốn dự trữ theo Basel 3 bao gồm vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8.0%.
Hình 1: Ví dụ tiêu chuẩn vốn Basel 3
Kết luận: Hoạt động của các ngân hàng có thể được tóm tắt như sau:
– Tiếp nhận tiền gửi từ cá nhân và doanh nghiệp.
– Dự trữ một phần của số tiền gửi để đảm bảo tính ổn định của hệ thống.
– Đầu tư vào các tài sản tài chính như trái phiếu.
– Cung cấp vay cho cá nhân và doanh nghiệp khác.
III. SỐ NHÂN TIỀN VÀ QUÁ TRÌNH “TẠO RA TIỀN MỚI” CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
Số nhân tiền là lượng tiền mà hệ thống ngân hàng tạo ra với mỗi USD dự trữ. Đây cũng là tỷ lệ giữa cung tiền và tiền cơ sở (tiền do Ngân hàng Trung Ương phát hành).
– Số nhân tiền là biểu diễn ngược của tỷ lệ dự trữ. Nếu R là tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì mỗi đơn vị tiền gửi sẽ tạo ra 1/R đơn vị tiền mới.
– Lượng tiền mà ngân hàng tạo ra phụ thuộc vào tỷ lệ dự trữ R. Nếu tỷ lệ dự trữ cao ngân hàng sẽ có ít tiền để cho vay hơn. Do đó, số nhân tiền sẽ nhỏ hơn.
Giả sử dự trữ 10% thì số nhân tiền là 1/10% = 10 lần.
IV. NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG (CENTRAL BANK – CB)
Hệ thống tiền định danh (fiat money) cần một cơ quan có trách nhiệm điều tiết và quản lý hệ thống tiền tệ. Ở Mỹ, cơ quan đó là Cục Dự trữ Liên bang, thường gọi là Fed.
1. VAI TRÒ CỦA NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG TRONG HỆ THỐNG TÀI CHÍNH
Điều tiết hệ thống ngân hàng và đảm bảo sự ổn định:
– Ngân hàng Trung Ương (CB) giám sát và hoạt động như ngân hàng mẹ (the lender of lenders).
– CB cũng là người cho vay cuối cùng khi các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản (the lender of last resort).
Kiểm soát cung tiền nền kinh tế thông qua chính sách tiền tệ:
– Tại Fed, chính sách tiền tệ được thực hiện bởi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC).
– FOMC họp định kỳ mỗi 6 tuần tại Washington, D.C.. Họ thảo luận về chính sách tiền tệ trong các tình huống kinh tế khác nhau.
2. CUNG CẦU TIỀN CỦA NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG
Tiền cơ sở: Ngân hàng Trung ương (CB) là cơ quan độc quyền phát hành tiền.
– Một phần của tiền cơ sở được lưu thông, một phần nằm tại CB dưới dạng tiền dự trữ của ngân hàng thương mại. Lượng tiền cơ sở ban đầu bằng tổng số tiền mặt đang lưu hành và tiền dự trữ của các ngân hàng tại CB.
– Tiền cơ sở (khác với cung tiền) là tổng số tiền lưu hành cộng với số tiền gửi tại các ngân hàng và CB. Tuy nhiên, cung tiền cũng là bội số (dựa trên số nhân tiền) của cung tiền cơ sở.
Ở trạng thái cân bằng: Cung tiền cơ sở từ ngân hàng Trung Ương = Cầu tiền cơ sở của thị trường.
Cung tiền bằng cầu tiền của nền kinh tế. Lãi suất sẽ thay đổi dựa trên cầu tiền cơ sở. Cung tiền tăng, lãi suất sẽ giảm. Cung tiền giảm, lãi suất sẽ tăng.
V. VAI TRÒ CỦA FED TRONG VIỆC ĐIỀU TIẾT CUNG TIỀN
1. NGHIỆP VỤ THỊ TRƯỜNG MỞ (OPEN-MARKET OPERATIONS)
Đây là công cụ chính được sử dụng:
– Để tăng cung tiền: Fed mua trái phiếu Chính phủ làm tăng lượng tiền lưu hành.
– Để giảm cung tiền: Fed bán trái phiếu chính phủ làm giảm lượng tiền lưu hành.
2. DỰ TRỮ BẮT BUỘC (RESERVE REQUIREMENTS)
Fed có thể tác động cung tiền bằng cách quy định lượng dự trữ tối thiểu mà các ngân hàng phải nắm giữ đối với tiền gửi (tỷ lệ dự trữ bắt buộc – R). Trên thực tế, Fed hiếm khi sử dụng biện pháp này vì tỷ lệ dự trữ thay đổi thường xuyên sẽ làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
3. LÃI SUẤT CHIẾT KHẤU (DISCOUNT RATE)
Lãi suất chiết khấu dựa trên các khoản vay có tài sản đảm bảo ngắn hạn để tính lãi suất. Fed tính toán lãi suất này dựa trên lãi suất liên ngân hàng. Fed đóng vai trò là người cho vay cuối cùng trên thị trường.
4. LÃI SUẤT TÀI TRỢ QUA ĐÊM CÓ ĐẢM BẢO (SOFR)
*Mới cập nhập: Năm 2022 SOFR được sử dụng tham chiếu thay cho LIBOR (Thông qua đạo luật Hoa Kỳ_Nguồn: Wiki)
SOFR sử dụng chi phí thực tế của các giao dịch trong thị trường repo qua đêm, được tính toán bởi Cục Dự trữ Liên bang New York. Với trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ làm tài sản thế chấp cho việc vay, SOFR được tính toán khác với LIBOR và được coi là tỷ lệ ít rủi ro hơn. Bản chất ít rủi ro hơn của SOFR có thể dẫn đến chi phí vay thấp hơn cho các ngân hàng. SOFR là tham chiếu lãi suất cho các khoản vay ngoài thực tế.
VI. KẾT LUẬN
Ngân hàng Trung ương quản lý cung tiền và điều tiết hoạt động ngân hàng, từ đó hiểu được tầm quan trọng của ngân hàng đối với nền kinh tế của một quốc gia.
Hiểu biết về tác động chính sách của các ngân hàng sẽ giúp nhà đầu tư cảnh giác được với các biến động thị trường, đo lường rủi ro và điều chỉnh chiến lược đầu tư phù hợp.