Trong Phân tích kỹ thuật, có một loạt các chỉ báo được sử dụng tùy thuộc vào phong cách của mỗi nhà đầu tư. Những chỉ báo này được thiết kế để giải thích các mối quan hệ liên quan đến sức mạnh của người mua và người bán trên thị trường cổ phiếu. Đồng thời dùng để dự đoán xu hướng giá tiếp theo. Sự ưu việt của Phân tích kỹ thuật là nhà đầu tư có thể áp dụng các kỹ thuật “bắt sóng” (trendline) với mọi cổ phiếu mà không cần phải hiểu sâu về tình hình tài chính của doanh nghiệp như trong Phân tích cơ bản.
Dưới đây là 3 chỉ báo phổ biến nhất trong Phân tích kỹ thuật:
I. ĐƯỜNG TRUNG BÌNH ĐỘNG (MOVING AVERAGES – MA)
1. ĐỊNH NGHĨA
Đường trung bình động (MA): Đây là một chỉ báo phổ biến được sử dụng để theo dõi biến động của giá cổ phiếu trong một khoảng thời gian nhất định. Nhà đầu tư thường sử dụng đường MA để nhận biết xu hướng giá và các sự đảo chiều. Đo lường sức mạnh của đà tăng hoặc giảm, phân biệt các khoảng thời gian khác nhau để quan sát xu hướng và xác định các mức hỗ trợ, kháng cự để đưa ra quyết định về stop-loss.
Có 3 loại đường MA phổ biến được sử dụng trong phân tích kỹ thuật:
– Đường SMA (Simple Moving Average): Đường trung bình động đơn giản. Tính bằng trung bình cộng các mức giá đóng cửa (Adjusted Close) trong khoảng thời gian nhất định.
– Đường EMA (Exponential Moving Average): Đường trung bình lũy thừa. Tính bằng công thức hàm mũ, trong đó tập trung vào các biến động giá gần nhất. EMA nhạy cảm với các biến động ngắn hạn, nhận biết tín hiệu bất thường nhanh hơn đường SMA.
– Đường WMA (Weighted Moving Average): Đường trung bình tỷ trọng tuyến tính. Chú trọng vào các tham số có tần suất xuất hiện cao nhất. WMA đặt nặng các bước giá có khối lượng giao dịch lớn, chú ý đến chất lượng dòng tiền.
Lưu ý về tính hiệu trễ của đường SMA:
Đường SMA thường được coi là một chỉ báo chậm vì nó phản ánh biến động của giá đã xảy ra. Vì vậy, đường SMA thường có độ nhạy tương đối thấp đối với các biến động ngắn hạn.
Ví dụ: Nếu đường giá thực tế đã tạo đỉnh và sau đó đường SMA(20) mới tạo đỉnh, thì đường SMA(50) sẽ tiếp tục tạo đỉnh một cách trễ hơn nữa. Điều này cho thấy rằng đường SMA càng dài hạn thì sự trễ càng cao và nó càng ít “bám” vào đường giá hiện tại.
2. ỨNG DỤNG CỦA ĐƯỜNG TRUNG BÌNH ĐỘNG
Dưới đây là một số thông tin về các đường trung bình đơn giản (SMA) phổ biến:
– Trung bình động dài hạn: SMA(100), SMA(200)
– Trung bình động trung hạn: SMA(50)
– Trung bình động ngắn hạn: SMA(10), SMA(14), SMA(20)
Các tín hiệu mua và bán thường được xác định như sau:
– Tín hiệu mua: Khi đường trung bình ngắn hạn vượt qua đường trung bình dài hạn.
+ Nếu đường giá lớn hơn SMA(20), cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn.
+ Nếu đường giá lớn hơn SMA(50), cho thấy xu hướng tăng trung hạn.
+ Nếu SMA(20) lớn hơn SMA(50), cho thấy xu hướng tăng dài hạn.
+ Khi đường giá lớn hơn SMA(20) và SMA(20) lớn hơn SMA(50), cho thấy xu hướng tăng giá khi ba đường cắt nhau và hướng lên.
– Tín hiệu bán: Khi đường trung bình ngắn hạn đi xuống dưới đường trung bình dài hạn.
+ Nếu đường giá nhỏ hơn SMA(20), cho thấy xu hướng giảm ngắn hạn.
+ Nếu đường giá nhỏ hơn SMA(50), cho thấy xu hướng giảm trung hạn.
+ Nếu đường giá nhỏ hơn SMA(100), cho thấy xu hướng giảm dài hạn.
+ Nếu SMA(20) nhỏ hơn SMA(50), đây là tín hiệu dài hạn xác định xu hướng giảm dài hạn.
+ Khi đường giá nhỏ hơn SMA(20) và SMA(20) nhỏ hơn SMA(50), cho thấy xu hướng giảm giá khi ba đường cắt nhau và hướng xuống.
Hình 1: Chỉ báo SMA
II. MACD
MACD, viết tắt của “Moving Average Convergence Divergence” (Đường trung bình động hội tụ phân kỳ), là một công cụ quan trọng giúp nhà đầu tư chứng khoán định lượng tín hiệu mua bán cho một cổ phiếu.
Công thức tính MACD là sự chênh lệch giữa hai đường trung bình động EMA với chu kỳ 12 và 26 ngày. Công thức được biểu diễn như sau:
MACD = EMA(12) – EMA(26)
Đường EMA với chu kỳ 9 ngày được sử dụng làm “đường tín hiệu” (Signal Line). Các tín hiệu giao dịch được xác định như sau:
– Khi đường Signal và MACD cắt nhau, điều này biểu thị một tín hiệu về xu hướng giá sắp thay đổi. Nhà đầu tư có thể xem xét điểm mua/bán để thực hiện giao dịch.
– Nếu MACD cắt lên trên đường Signal, điều này cho thấy tín hiệu mua
Hình 2: Chỉ báo MACD trong phân tích kỹ thuật
– MACD cắt xuống dưới đường Signal, điều này cho thấy tín hiệu bán.
Hình 3: Chỉ báo MACD trong phân tích kỹ thuật
– Sau khi MACD cắt đường Signal, nhà đầu tư nên quan sát thêm xu hướng 3-4 ngày để xác nhận rằng đó là tín hiệu đảo chiều đúng.
III. CHỈ SỐ SỨC MẠNH TƯƠNG ĐỐI (RELATIVE STRENGTH INDEX – RSI)
Hình 4: Công cụ RSI trong phân tích kỹ thuật
Chỉ báo RSI (Relative Strength Index) là một công cụ quan trọng trong phân tích kỹ thuật. Nó được biểu diễn dưới dạng đường dao động từ 0 đến 100, với hai ngưỡng chính là 30 và 70:
– Khi RSI dao động dưới 30, thường được xem là tín hiệu quá bán. Nghĩa là thị trường có thể sắp chuyển hướng và tăng giá.
– Khi RSI vượt qua ngưỡng 70, điều này thường được coi là tín hiệu quá mua. Nó cho thấy thị trường có thể sắp chuyển hướng và giảm giá.
Do đó, khi RSI vượt qua mức 70, cổ phiếu thường được coi là quá mua. Trong khi, RSI dưới 30 cổ phiếu được coi là quá bán.
Chỉ báo RSI được tính qua 2 bước:
(1) RS (Relative Strength) = (average gain)/(average loss)
(2) RSI = 100 – 100/(1+RS)
Hình 5: Công cụ RSI trong phân tích kỹ thuật
Trong vùng trung bình của chỉ báo RSI (khi RSI = 50), nhà đầu tư có thể coi đây là vùng hỗ trợ hoặc kháng cự:
– Nếu RSI giảm từ vùng quá mua xuống vùng 50, đây là tín hiệu hỗ trợ. Nghĩa là nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế mua.
– Nếu RSI tăng từ vùng quá bán lên vùng 50, đây là tín hiệu kháng cự. Nghĩa là nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế bán ra.
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể sử dụng các mức độ khác nhau của RSI như 60 hoặc 70 làm vùng kháng cự, và 30 hoặc 40 làm vùng hỗ trợ, tùy thuộc vào cổ phiếu cụ thể và mức độ chấp nhận rủi ro của họ.
IV. KẾT LUẬN
Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là hai phương pháp đầu tư khác nhau:
– Phân tích cơ bản tập trung vào đánh giá tiềm năng phát triển của một công ty hoặc ngành công nghiệp, dựa trên các giá trị nội tại.
– Phân tích kỹ thuật sử dụng biến động giá và khối lượng giao dịch để dự đoán xu hướng giá trong tương lai, thể hiện tâm lý thị trường.
Không có trường phái nào là hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai, tuy nhiên việc tuân thủ chiến lược đầu tư quan trọng hơn việc chiến lược đó là gì. Chúc các bạn có thể giao dịch thành công trên thị trường này!